TRỒNG LÚA NƯỚC SINH THÁI

21/11/2022
TRỒNG LÚA NƯỚC SINH THÁI

Trồng Lúa Nước Sinh Thái – Nhà Nông Phá Bỏ Lệ Thuộc

trong-lua-nuoc-sinh-thai

Trồng lúa nước gắn liền với “nghiệp nông gia”, vậy mà cha mẹ tôi đã quyết bán ruộng đất cho con ăn học và thoát ly khỏi nghề nông bởi làm nông là bần hàn, cơ cực, tận cùng dưới đáy xã hội. Điều này ngược lại hoàn toàn với những gì ông bà xưa dặn dò:

“Công danh theo đuổi mà chi,
Sao bằng chăm chỉ giữ nghề canh nông.
Sớm khuya có vợ có chồng,
Cày sâu bừa kĩ mà mong được mùa.”

gieo-sa-trong-lua-nuoc-sinh-thai
Công đoạn gieo sạ trong quy trình trồng lúa nước sinh thái tại farm Noom.

Tự bao giờ, người nông dân từ tầng lớp làm nên một nền văn minh lúa nước ngàn năm lịch sử trở về tầng yếu thế, văn hóa thấp, giáo dục thấp và lệ thuộc. Câu trả lời sẽ được bật mí từ chính cây lúa, người bạn thân thiết nhất của nhà nông.

Hạt thóc hóa thạch khoảng 9000 năm tuổi đã được tìm thấy tại khu khảo cổ thuộc Văn Hóa Đại Bình (ở phía Tây châu thổ ba con sông lớn thuộc Bắc Bộ Việt Nam). Theo đó, các nhà khảo cổ cho rằng kỹ thuậtrồng lúa nước đã xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Với bề dày hàng ngàn năm văn minh lúa nước, nông dân đã phát triển các kỹ thuật canh tác thượng thừa, tạo nên dấu ấn đặc trưng một thời.

Tuy nhiên, quy trình canh tác lúa nước sinh thái từ cổ nhân đã mai một dần và khác biệt rất nhiều so với cách trồng lúa hiện nay của hầu hết bà con nông dân.

Mục Lục

Quy trình trồng lúa hóa học hiện nay và lúa nước sinh thái tự nhiên

 
Công đoạnTrồng lúa hóa học phổ biến hiện nayTrồng lúa nước sinh thái tự nhiên Rơm Vàng
Chuẩn bị hạt giốngỦ giống bằng nước 3 sôi 2 lạnh, dung dịch nước muối 15%. Xử lý hạt giống với các hóa chất khác.Ủ giống bằng nước 2 sôi 3 lạnh
Chuẩn bị đấtRuộng khô, cho nước thủy lợi vàoRuộng bạc màu tiếp quản cải tạo bằng cách luôn có nước
 Cày bằng máyCày bằng máy
 Bón lót phân lân từ 100-400kg/ha.Rải phân chuồng đợt 1 (sau 5 năm sẽ không rải nữa).
 Bừa ruộng, bang ruộngBừa ruộng, bang ruộng
 Tháo nước ra cho ruộng ráo nước (sền sệt)Tháo nước ra cho ruộng ráo nước (sền sệt)
 Tạo rãnh ruộngTạo rãnh ruộng
Gieo sạGieo giốngGieo giống
Hạn chế cỏ– Thủ công: dặm tỉa lúa và nhổ cỏ, cắt các bông cỏ còn sót trên ruộng.
– Biện pháp hóa học là chủ yếu: phun thuốc diệt cỏ 2 đợt gồm tiền nảy mầm và hậu nảy mần.
Sau 4-6 ngày, cho nước vào ngập 1/2 cây lúa để hạn chế cỏ.
  Dặm sạ sau khoảng 20 ngày
Bón phânBón thúc 2 đợt, bón đòng và bón đợt 4 với phân Ure, Lân, Kali.Bón đòng, bón thúc bằng phân chuồng, bã lạc (sau 5 năm sẽ không rải nữa hoặc rải rất ít).
Quản lý sâu, bệnhĐạo ôn, rầy nâu, vàng lá, bọ trĩ, bọ xít hôi, sâu cuốn lá lớn, sâu đục thân, khô vằn, bạc lá…: các biện pháp thủ công và chủ yếu dùng thuốc hóa học phòng trị.Không phun thuốc do hệ sinh thái đã cân bằng
 Ốc bưu: biên pháp thủ công và dùng thuốc hóa học đặc trị .Ban đầu nếu quá nhiều thì bắt tay, sau 5 năm sẽ không còn.
 Chuột: thời vụ tập trung, vệ sinh đồng ruộng, đặt bẫy, đào hang, bỏ khí đá vào hang, bơm nước vào hang, dùng chó săn bắt.Rải nhiều giống dư trên bờ, chuột sẽ giảm sau 5 năm do hệ sinh thái sẽ cân bằng.
 Phun thuốc cỏ cháy nếu bờ rậm rạpTrồng thêm cây cho rậm rạp
 Tháo nước cho lúa chínTháo nước cho lúa chín
Thu hoạchGặt lúa bằng máy, phơi nắngGặt lúa bằng máy, phơi nắng
Sản lượng lúa đã phơi khô và làm sạchBình quân 550kg lúa tươi/sàoBình quân 550kg lúa tươi/sà

Quy trình trồng lúa gieo sạ phổ biến hiện nay đã được giản lược, có thể khác nhau ở từng vùng đất. (Tham khảo từ tài liệu Kỹ thuật trồng lúa nước tỉnh Quảng Nam do Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông Thôn)

Nếu được phép tóm tắt ngắn gọn về sự khác nhau giữa hai quy trình canh tác này, chúng tôi thấy rõ sự “bị động, lệ thuộc” vào các biện pháp hóa học trong quy trình trồng lúa thông thường và “tâm thế chủ động” trên đồng ruộng lúa nước sinh thái.

Đầu tiên phải kể đến “cỏ lúa”. Nhà nông thường truyền tai nhau “Công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn“. Việc làm cỏ chiếm lượng thời gian, công sức lớn nhất. Tất cả chi phí phân bón kể cả phân hữu cơ, chi phí giống, công gặt, thu hoạch đều không đáng là bao so với công làm cỏ. 

Những điểm yếu của quy trình trồng lúa nước hiện nay

Lệ thuộc vào các biện pháp chăm bón hoá học

Với quy trình trồng lúa phổ biến hiện nay, chính quyền đã ra sức hướng dẫn các biện pháp thủ công, tuy nhiên vẫn nhấn mạnh biện pháp hóa học là chủ yếu. Điều này cho thấy gần như bà con nông dân bắt buộc phải phun thuốc diệt cỏ để trị được cỏ lúa. Nếu không phun, ruộng sẽ ngập tràn cỏ, khiến cây lúa không thể sống sót. Cho dù trồng lúa hữu cơ, cỏ vẫn mạnh mẽ “lấn sân”, cây lúa không tài nào mọc nổi. Đây chính là sự “lệ thuộc” đau đớn nhất của người trồng lúa.

le-thuoc-vao-cac-bien-phap-hoa-hoc
Nông dân lệ thuộc vào phun thuốc hóa học trên ruộng lúa cùng đồ bảo hộ sơ sài.

Chính việc phun thuốc diệt cỏ đã kéo theo hàng loạt các hệ lụy nghiêm trọng, điển hình là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc trừ sâu, bệnh ở các giai đoạn sau.

Các biện pháp cơ học, sinh học giống như “muỗi đốt inox”, không áp dụng hiệu quả vì hệ sinh thái vốn đã mất cân bằng, khí hậu, thời tiết ngày càng biến động, môi trường càng xuống cấp, cộng thêm sự lây nhiễm chéo trong vùng.

Nếu không sử dụng các biện pháp hóa học, nông dân phải đối mặt với cỏ lúa, các loại sâu, bệnh đa dạng với mức độ ngày càng khó kiểm soát, chắc chắn sẽ dẫn đến thất thu, thua lỗ. Đây là nỗi lo lắng vô cùng chính đáng và cũng là sự lệ thuộc bất đắc dĩ của người nông dân. Theo đó, thuốc BVTV và phân bón hóa học như cặp bài trùng không thể thiếu đối với bà con trồng lúa. Nếu là nông dân, bạn sẽ chọn độc hại mà có cái ăn hay là trắng tay, tốn công mà không có hạt gạo nào?

Nỗi lo lắng về cỏ lúa và sâu bệnh hiện ngay trước mắt càng khiến người nông dân từng “chân cứng, đá mềm” phải chấp nhận mềm lòng, sử dụng các biện pháp hóa học. Vì thực tế, họ không có nhiều lựa chọn. Và chính sự lệ thuộc trông có vẻ ngắn hạn này lại là sự tổn hại kinh khủng khiếp, dai dẳng trong dài hạn.

Chu trình phát tán hóa chất BVTV trong hệ sinh thái nông nghiệp (Ảnh minh họa từ Tổng Cục Môi Trường).

Hệ luỵ ô nhiễm môi trường

Theo Báo cáo hiện trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu từ Tổng Cục Môi Trường năm 2015, hóa chất BVTV khi được phun hay rải trên đối tượng một phần sẽ được đưa vào cơ thể động, thực vật. Qua quá trình hấp thu, sinh trưởng, phát triển hay qua chuỗi thức ăn, hóa chất BVTV sẽ được tích tụ trong nông phẩm hay tích lũy, khuếch đại sinh học. Một phần khác sẽ rơi vãi ngoài đối tượng, sẽ bay hơi vào môi trường hay bị cuốn trôi theo nước mưa, đi vào môi trường đất, nước, không khí… gây ô nhiễm môi trường.

Đất đai không thể cải tạo

Nếu chúng ta cứ tiếp tục lối canh tác “lệ thuộc” này, vấn đề tồn dư hóa chất, thuốc BVTV sẽ ngày càng cao, đất trở nên xấu đến mức không thể cải tạo nổi. Vậy nên mới có việc cải tạo đất lúa bằng cách lấy lớp đất đầu đi bán làm đất gạch khắp tỉnh Quảng Nam. Không chỉ vậy, môi trường nước, không khí, hệ sinh vật, thậm chí là chính sức khỏe người nông dân, tầng lớp chiếm tỷ lệ lớn nhất trong dân số sẽ theo đà đó mà “chết dần, chết mòn”. Tương lai người làm nông sống cùng với thiên nhiên rồi cũng lụi tàn theo sự yếu đi của đất mẹ. Trước thực tế đó, truyền thông lại tiếp tục nuôi niềm hy vọng cho nông dân bằng các giống cây mới với khả năng kháng bệnh, cao sản… để rồi lại tiếp tục lệ thuộc và lệ thuộc.

giu-nuoc-trong-ruong-lua-nuoc-sinh-thai-1
Ruộng lúa nước sinh thái tại farm Rơm Vàng được điều tiết nước một cách chủ động.

Chúng tôi nhận thấy việc chủ động điều tiết nước trên cánh ruộng của mình là “phát súng” tiên quyết giúp người nông dân phá vỡ sự lệ thuộc này.

Quy trình trồng lúa hóa học hiện nay đang khiến nông dân phải “trông chờ” vào phân thuốc cả đời, thậm chí càng ngày càng phải mua nhiều phân thuốc hóa học hơn. Ngược lại, cách trồng lúa nước sinh thái tự nhiên sẽ giúp nông dân giảm lượng phân bón, giảm gần như tất cả các công đoạn liên quan tới bảo vệ cây lúa. Thậm chí, sau tầm 5 năm (có thể sẽ nhanh hơn tùy mức độ bạc màu của đất và khả năng nuôi đất), trồng lúa nước sinh thái sẽ không bón hoặc bón lượng rất ít. Khoảng 3 bao/sào phân chuồng hay phân bánh dầu là cây lúa đủ khỏe mạnh, cho sản lượng cao, đều đặn mỗi năm. Đến lúc đó, việc duy nhất nông dân phải làm là rải hạt thóc xuống, thả nước, tháo rút nước, rồi chờ hạt lúa chín.

Liên tục phải vất vả cày cuốc

Dưới góc nhìn tổng thể hiện nay, chúng ta vẫn thấy người nông dân một nắng hai sương, một hạt thóc vàng chín giọt mồ hôi, vẫn hình ảnh cầm cuốc, đội nón. Vẫn vất vả nhưng việc làm nông dường như không còn là niềm tự hào của mỗi gia đình Việt Nam. Bản sắc văn hóa một thời cùng với cây lúa như trôi tuột theo sự mất tự chủ canh tác của người nông dân. Bởi thuốc hóa học đã thay thế phần lớn, làm bay màu tư duy, lối cách tác truyền thống cổ xưa:

“Nửa đêm sao sáng mây cao,
Triệu trời nắng gắt, nắng gào chẳng sai.
Lúa khô nước cạn ai ôi!
Rủ nhau tát nước chờ trời còn lâu.”

Văn minh lúa nước – Bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt

Vai trò lúa nước trong quá trình hình thành văn hóa quốc gia

Lúa nước được thuần hóa thành cây lương thực gieo trồng đầu tiên ở Việt Nam và một số nơi thuộc Đông Nam Á lục địa. Theo đó, cây lúa có vai trò chính trong việc hình thành nét văn hoá của một quốc gia cũng như nền văn minh lúa nước. 

Trải qua hơn 10.000 năm lịch sử tại vùng Đông Nam Á và Nam Trung Hoa, nền văn minh lúa nước đã đạt đến trình độ đủ cao về các kỹ thuật canh tác lúa nước, thuỷ lợi, phát triển các công cụ và vật nuôi chuyên dụng. Cư dân thuần dưỡng trâu bò làm sức kéo kết hợp với cái cày tạo nên một hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” mang tính biểu tượng của các quốc gia làm nông nghiệp.

con-trau-cai-cay-trong-lua-nuoc-sinh-thai
Từ xa xưa, người nông dân cực kỳ sáng tạo, phát minh ra các công cụ chuyên dụng, phối hợp cùng các vật nuôi nhằm giúp việc đồng áng đỡ nhọc công hơn.

Bên cạnh việc phát triển kỹ thuật canh tác, lịch sử khai hoang cũng được hình thành. Việc trồng lúa nước lan rộng đến những vùng đất mới phù hợp với cây lúa. Đó chính là các vùng đồng bằng châu thổ. Chúng ta di cư từ khu vực vùng núi, trung du xuống các khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Vu Gia, sông Mê Kông tạo nên những nền văn hóa lớn như văn hóa sông Hồng, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Đông Sơn.

Trên quy mô ngày càng mở rộng, việc tổ chức trồng trọt, thu hoạch lúa vô cùng cần thiết. Thêm vào đó, tính chất canh tác lúa nước cần sự giúp đỡ và hỗ trợ cùng nhau. Điều này đã thúc đẩy phát triển các tổ chức xã hội làng xã. Sau đó, thiết chế làng mạc xuất hiện và cơ cấu tổ chức của một quốc gia được hình thành.

Những tư liệu lịch sử nhỏ này đã cho thấy vai trò rất lớn của cây lúa nước trong việc hình thành đất nước Việt Nam. Vì vậy, tầng lớp chủ chốt và quan trọng nhất lúc bấy giờ chính là nông dân. Họ cũng là nguồn cảm hứng vô tận trong các nét đẹp văn hóa đặc trưng của nước ta. 

Tính cách tự hào của người nông dân trồng lúa nước

Từ xa xưa, nông nghiệp lúa nước gắn liền với điều kiện sinh tồn của nông dân. Theo đó, nông dân sẽ lao động, sản xuất trực tiếp trong môi trường thiên nhiên, làm việc, hỗ trợ cùng nhau theo từng dòng tộc, họ hàng hay làng xóm. Cách thức lao động này cùng sự hòa mình vào thiên nhiên đã góp phần xây dựng hình ảnh người nông dân hiền hòa, chất phác, tràn đầy yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Điều này gần tương đồng với văn hóa làm việc mà chúng ta thường thấy ở các tổ chức lớn hiện nay, với đội ngũ luôn đề cao tinh thần “teamwork”, làm việc nhóm. 

“Trâu ơi ta bảo trâu này:
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày giữ nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”

Trong đồng áng, kỹ thuật canh tác qua nhiều công đoạn như cày, bừa, gieo, vãi, tỉa, cấy, trồng, gặt, đập, tháo nước, tát nước… luôn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, chuyên cần. Trong đó, phần nhiều đều có sự quán xuyến của người phụ nữ. Ngoài ra, việc buôn bán, giao thương hay các công việc thủ công khác như đan lát, thêu thùa, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, chăn nuôi… đều cần đến bàn tay và đầu óc khéo léo của nữ giới. Theo đó, người phụ nữ đã góp phần đáng kể vào việc sản xuất và phát triển kinh tế gia đình. Dù người đàn ông được ví như trụ cột nhưng về mặt kinh tế, người chồng là “giỏ”, người vợ là “hom”, không thể tách rời bởi bao nhiêu cá trong giỏ đều trôi đi hết nếu không có hom.

“Chồng như giỏ, vợ như hom,
Đá vàng chung dạ, cháo cơm chung lòng.”

nong-dan-nu-van-minh-lua-nuoc-2
Anh nông dân tại farm Noom đang phụ vợ mang thức ăn cho gia súc.

Đây cũng chính là văn hóa “lady first” của nền văn minh hiện đại ở các nước giàu có trên thế giới. Sự đóng góp, vun vén của người phụ nữ trong công việc ngoài xã hội lẫn hạnh phúc gia đình đều được tôn trọng và ghi nhận. Dù ở thời kỳ nào, sự ưu ái dành cho phụ nữ cũng đã được thể hiện đầy duyên dáng qua những ca dao tục ngữ bất hủ.

“Đọt lúa vàng, gié lúa cũng vàng,
Anh thương em, cha mẹ, họ hàng cũng thương”

Nền văn minh lúa nước còn hình thành tính cách của nông dân từ mối quan hệ với đất đai. Nền văn hoá nông nghiệp có những đặc điểm cốt yếu như giữ đất, giữ nước, tự túc mọi nhu cầu của gia đình. Đây chính là điều khiến một gia đình, một quốc gia vững mạnh.

“Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang.
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu”

Sau cùng, người nông dân Việt Nam luôn có tính cách khiêm tốn. Bởi đứng trước mẹ thiên nhiên, nông dân luôn cảm thấy sự hiểu biết của mình là hạn hẹp. Sống nhờ vào cây lúa lớn lên từ đất mẹ, người dân đất Việt đã yêu thiên nhiên, bảo vệ tự nhiên. Từ đó, văn hóa tín ngưỡng và sùng bái tự nhiên vô cùng đa dạng. Điều mà hiện nay chúng ta nghĩ rằng du nhập từ phương Tây, thực chất đã có sẵn trong gen, trong máu người Việt. Bên cạnh đó, lối sống hòa mình với thiên nhiên gần đây trở thành trào lưu nhưng nó vốn dĩ là một triết lý sống đặc trưng của người Việt từ nền nông nghiệp lúa nước.

“Người ta đi cấy lấy công,
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm.
Trông cho chân cứng đá mềm,
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.”

Những tính cách đầy tự hào và bề dày kinh nghiệm của nông dân Việt Nam đã tồn tại hàng thiên niên kỷ. Đó là nền tảng vững chắc để chúng ta tiếp tục một niềm tin khuyến nông, tạo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nông dân, duy trì nét văn hóa độc đáo đầy tính bản sắc dân tộc. 

Tuy nhiên, thực trạng dường như đang đẩy nông dân vô thế lệ thuộc vào nguồn nước từ thủy điện, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… Hướng đi duy nhất cho nông dân trồng lúa nước hiện nay hay thậm chí những nông sản khác là quay về với kỹ thuật canh tác thượng thừa thời ông bà. Bằng mọi giá, nông dân Việt Nam ta phải gìn giữ nền nông nghiệp truyền thống một cách chủ động.

Lợi ích của việc trồng lúa nước sinh thái

Dựa vào quy trình trồng lúa nước sinh thái, chúng ta dễ nhận ra tầm quan trọng của nguồn nước. Sự điều tiết nước trên ruộng lúa quyết định rất lớn đến mùa vụ. Bởi đặc đểm của cây lúa nước là cây dễ tính, phù hợp với nhiều thổ nhưỡng, chỉ cần có nước ở chân lúa đủ để cây lúa sinh trưởng và cho sản lượng lương thực tốt đều. 

he-thong-tuoi-tieu-trong-lua-nuoc

Để chủ động trong việc điều tiết nước và tạo ra hệ sinh thái tự nhiên, chúng tôi đã xây dựng hệ thống tưới nước và tiêu nước. Trong nông nghiệp vườn rừng, hệ thống tưới tiêu nước sẽ giúp nông dân chủ động nguồn nước. Hệ thống này còn mang lại các lợi ích bổ sung như lọc nước, giúp loại bỏ các chất động hại, tồn dư trong nước, tăng khả năng phát triển bộ rễ của cây trồng trên các luống chính, tạo môi trường cho các vi sinh vật phát triển, bổ sung lượng mùn, hữu cơ vào trong nước…

Bên cạnh đó, mô hình vườn rừng còn đặc biệt xây dựng hệ thống hàng rào sinh học với 3 lớp cách ly nhằm tránh lây nhiễm chéo từ những nguồn nước, không khí, gió, môi trường ngoài. “Thành trì” này kết hợp mương lớn, mương nhỏ và bờ đê ở giữa, mang nhiều vai trò quan trọng khác như giúp ngăn chặn, chắn rác do lũ lụt, giảm tác động khi tốc độ nước lũ dâng lên đột ngột, tạo cân bằng hệ sinh thái cho đồng ruộng, tập hợp đa dạng các động vật cần thức ăn và nơi trú ẩn… Trên thực tế, chúng tôi đã chứng kiến những hiệu quả đáng ngạc nhiên từ mô hình vườn rừng, dù nhọc công ban đầu nhưng về sau, nông dân sẽ chủ động hơn rất nhiều.

Giàn leo ở bờ ruộng lúa sinh thái farm Rơm Vàng tạo nên nơi ở an toàn cho các loại chim chóc

 

Ngoài ra, việc trồng lúa nước sinh thái sẽ giúp cánh đồng lúa không bị các bệnh trên cây lúa. Tất nhiên, nông dân không cần phải sử dụng các loại thuốc hóa học. Cách canh tác này giúp dễ dàng quan sát những cánh đồng ngập nước và hệ sinh thái ruộng bền vững. Trong hệ sinh thái này, chúng ta thường thấy hệ chim muông, rắn, chuột. Các loại chim, cò, cốc, diệc, bồ nông, vạc, sẻ… cũng về đây kiếm thức ăn, sinh sống, làm tổ. Sâu bọ, ốc bưu vàng hay các loại nấm cũng được cân bằng cùng vạn sinh vật thiên địch. Dưới ruộng nước không chỉ có lúa và đĩa mà còn các loại cá đồng, lươn, ốc… Chúng cung cấp thêm thực phẩm trù phú đa dạng cho mỗi gia đình nông dân, rất giản dị và giàu dinh dưỡng. Trồng lúa sinh thái không chỉ mang lại lợi ích thực tế cho cây lúa và nông dân mà còn khơi lại một khung cảnh nên thơ, lãng mạn dường như đã mất hút vài chục năm gần đây. Chúng tôi gọi đó là một hệ sinh thái tự nhiên bền vững.

canh-quan-sinh-thai-lua-nuoc
Khung cảnh bình yên trên ruộng lúa nước sinh thái tại farm Rơm Vàng.

 

Canh tác lúa nước giúp người nông dân luôn giữ tâm thế chủ động. Sự tồn tại ở một mức độ nhất định của hàng vạn sinh vật là cần thiết để tạo ra chuỗi thức ăn cho tất cả các loài. Và việc chúng ta cần chủ động là giảm sự phá hoại mùa màng của các loài gây hại bằng cách điều hòa số lượng của chúng. Người nông dân chủ động cân bằng vạn vật, chủ động quan sát thời tiết để điều tiết nước, từ tổng thể đến những ghi chép cẩn thận, chi tiết nhất. Chủ động trong công việc là tiền đề cho tâm thế chủ động sắp xếp cuộc đời, cân bằng gia đình. Điều này hiển nhiên sẽ góp phần tạo ra một xã hội cân bằng, bền vững.

“QUAN SÁT KỸ THIÊN NHIÊN, Ở ĐÓ CÓ CÂU TRẢ LỜI”

Vì thế, bước quan trọng nhất để trở về thế chủ động trong canh tác lúa nước là coi thiên nhiên, đất mẹ như người nhà, người bạn, người đồng minh. Qua đó, tình yêu thương sẽ thôi thúc chúng ta tìm hiểu và làm việc cùng với thiên nhiên, tôn trọng trật tự tự nhiên vì lợi ích chung của côn trùng, cây cối, chim muông, động vật và chính bản thân chúng ta. 

Bằng cách này, nông dân trồng lúa nước sinh thái tự nhiên nhẹ nhàng bơi xuôi theo dòng thay vì cứ mãi lội ngược dòng, gắng gượng, cực khổ, khó khăn như hiện tại. 

Một khi nông dân đã tự chủ trong canh tác ruộng lúa, việc đảm bảo lương thực càng mang tính bền vững để đối mặt trước những biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa…

Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước – Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nhất là trong giai đoạn dịch vừa qua.

“NƯỚC LẤY DÂN LÀM GỐC” – Sự tự chủ của một quốc gia luôn đặt nền móng ở dân chúng. Người xưa có câu “dân dĩ thực vi tiên”, tức dân lấy cái ăn làm đầu. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò nòng cốt của nông dân trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Sự tự chủ của nông dân dẫn đến việc tự chủ lương thực hay cũng chính là sự tự chủ của một quốc gia vững mạnh.

 

Tài liệu tham khảo:

https://www.gef.monre.gov.vn/wp-content/uploads/2016/01/POP_bao-caohien-trang_final_print-1.pdf

https://dayhocchudong.com/nckh/van-hoa-khu-vuc-dong-nam-a-nhin-tu-cay-lua-nuoc/2020/https://ngayngayvietchu.comm

https://luocsutocviet.com/

https://sonongnghiep.tayninh.gov.vn/

https://www.duhoctrungquoc.vn/wiki/vi/V%C4%83n_minh_l%C3%BAa_n%C6%B0%E1%BB%9Bc

https://www.noron.vn/post/nhung-thanh-tuu-co-ban-cua-nen-van-minh-khu-vuc-dong-nam-a-f28jtg4oxue

http://kigroup.com.vn/tin-tuc/nguoi-viet-voi-van-minh-lua-nuoc

https://www.robbreport.com.vn/nha-bao-van-bay-va-su-di-biet-cua-vanminh/

https://khotrithucso.com/doc/p/cay-lua-voi-nen-van-minh-lua-nuoc-cua-viet-nam-trong-boi-261423

https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%A1nh_gi%C3%A1_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_Vi%E1%BB%87t_Nam

https://vi.wikipedia.org/wiki/Danh_s%C3%A1ch_c%C3%A1c_lo%C3%A0i_chim_%E1%BB%9F_Vi%E1%BB%87t_Nam

http://thangbinh.gov.vn/Default.aspx?tabid=1639&Group=139&NID=7708&lua-dong–xuan-thang-binh-duoc-mua

http://www.bactramy.quangnam.gov.vn/images/stories/files/UBND_Huyen/TramDVKTTHNN/ky_thuat_trong_lua_nuoc.pdf

http://tamdan.phuninh.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=98:2020-12-09-08-12-04&catid=42:chinh-quyn&Itemid=64

https://baoquangnam.vn/nong-nghiep-nong-thon/san-xuat-vu-lua-dong-xuan-2016-2017-ung-dung-bai-ban-quy-trinh-ky-thuat-45354.html

http://www.khuyennongvn.gov.vn/vi-VN/thu-vien-khuyen-nong/thu-vien/thu-vien-sach-kn/so-tay-huong-dan-phong-tru-ray-nau-truyen-benh-vang-lun-lun-xoan-la-hai-lua_t114c28n11361

 

Tags: lúa nước sinh thái nông nghiệp vườn rừng trồng lúa trồng lúa nước